Skip to content

Đăng ký nộp bài nghiên cứu khoa học: Xem chi tiết

Mục lục

Nấm Linh chi và những tác dụng hiệu quả trong điều trị bệnh ung thư 

Tác giả:

Ngày:

1. Đặt vấn đề

Nấm Linh chi (Ganoderma lucidum) là một loại thảo dược quý trong y học cổ truyền  có tác dụng chữa nhiều bệnh khác nhau, đặc biệt ở các nước Châu Á. Ở Việt Nam, nấm Linh chi được mọc tự nhiên ở nhiều nơi, được sử dụng làm thực phẩm chức năng tốt cho sức khỏe con người. Gần đây, nấm Linh chi trở thành một loại nấm dược liệu được nghiên cứu và phát triển vì có giá trị dược lý cao, đặc biệt là tiềm năng trong điều trị ung thư. Bằng chứng từ các nghiên cứu gần đây cho thấy polysaccharides chiết xuất từ nấm có hoạt tính chống ung thư tiềm tàng thông qua các tác dụng điều hòa miễn dịch, chống tăng sinh, chống di căn và chống hình thành mạch máu. Vì vậy, bài viết này chúng tôi tập trung tổng quan các thông tin về nấm Linh chi và các cơ chế tác dụng của nó trong điều trị bệnh ung thư

2. Tìm hiểu chung về đặc điểm thực vật của nấm Linh chi

Nấm Linh chi tên khoa học là Ganoderma lucidum, tên gọi khác là Linh chi thảo, nấm Trường thọ, nấm Lim, Tiên thảo… Linh chi thuộc nhóm nấm lớn, thường sống hoại sinh trên gỗ mục hoặc trên đất ngay ở nơi có gốc cây gỗ đã mục[1]. Nấm Linh chi Việt Nam được gọi là nấm lim xanh, tên khoa học là G. lucidum (Leyss ex. Fr.) Karst thường mọc trên những cây gỗ lim, được tìm thấy đầu tiên ở tỉnh Quảng Nam. Các nghiên cứu về loại nấm này cho thấy nó có giá trị dược lý rất cao, không chỉ bồi bổ sức khỏe mà còn phòng ngừa, điều trị các bệnh mãn tính, đặc biệt là những bệnh về gan và ung thư.

Môi trường sống của nấm thường ở các rừng thường xanh ẩm, độ cao từ chục mét đến 1500m. Ở Việt Nam, nấm Linh chi được mọc hoang dại ở hầu hết các tỉnh miền núi từ Lào Cai (Sa Pa) đến Lâm Đồng (Langbiang). Ngoài ra, có thể tìm thấy nấm Linh chi ở các vùng đã từng trồng nhiều cây lim đã bị khai thác vào mùa mưa ẩm, như vùng lâm trường Hương Sơn (Hà Tĩnh), vùng rừng thuộc vườn Quốc gia Bến Én (Thanh Hóa), Tam Đảo (Vĩnh Phúc),..[1]

Về đặc điểm thực vật, nấm hóa gỗ, sống 1 năm hay lâu năm. Thể quả có mũ dạng thận, tròn hoặc dạng quạt, dày, đường kính 3-10cm. Cuống dài dịch lệch, hình trụ tròn hoặc dẹt, có khi phân nhánh, mặt trên mũ có những vòng đồng tâm, mép lượn sóng. Bào tử hình bầu dục hoặc hình trứng, cụt đầu, mài gỉ sắt, có một mẩu lồi và nhiều gai nhọn. Toàn cây màu đỏ, đỏ vàng hoặc nâu đen [1, 2].

Nấm Linh chi sinh sản chủ yếu bằng bào tử nằm ở dưới của thể quả. Phần có chức năng sinh dưỡng chính là hệ sợi của nấm mọc ẩn trong gỗ mục hoặc trong đất. Hiện nay người ta đã chủ động nghiên cứu nuôi trồng nấm này trên giá thể nhân tạo nhằm dùng làm thuốc.

3. Thành Phần hóa học

Các nghiên cứu hiện nay đã xác định được rất nhiều các hợp chất hoá học có tác dụng tốt bao gồm: polysaccharides, triterpenoid , steroid, sterol, nucleotide, axit béo và các khoáng chất khác [3]. Cho đến nay, hơn 300 hợp chất được phân lập từ quả thể, sợi nấm, và bào tử của G.lucidum. Trong đó, chiết xuất nấm chứa 6% triterpenoid và 13,5% polysaccharides, là hai nhóm hợp chất chính có tác dụng ngăn ngừa ung thư và ngăn chặn quá trình hình thành khối u [4]. Chúng có tác dụng chống khối u, điều hoà miễn dịch, chống oxy hóa, kháng khuẩn, kháng viêm, bảo vệ thần kinh,…

3.1 Triterpenoid

Triterpenoid là 1 nhóm hợp chất hoá học phổ biến trong tự nhiên. Các hợp chất triterpen có nguồn gốc từ lanosterol, bao gồm axit ganoderic, axit lucinedic, axit ganodermic, lucidone và rượu ganodermic. Hầu hết chúng đều có khung cấu trúc  hóa học 27-30 nguyên tử C [4]. Những triterpen này đã được xác nhận có đặc tính kháng khuẩn, trong một số nghiên cứu nó cho thấy có ức chế sự phát triển của vi khuẩn

3.2. Polysaccharide

Polysaccharides là các phân tử polymer của carbohydrate bao gồm các chuỗi dài của các đơn phân tử đường và acid uronic liên kết với nhau bằng liên kết glycoside. Các phân tử đường thường là glucose, mannose, rhamnose và galactose. Các liên kết glycoside thì được tạo bởi 1 hoặc nhiều các liên kết α -(1,3) glucan, α -(1,6) glucan, mannan và galactosan, với α , β -glucans hoặc các liên kết khác [5]. Trong hầu hết các nghiên cứu trước đây, polysaccharide được chiết xuất từ thể quả, bào tử, sợi nấm và dịch nuôi cấy của nó. Trọng lượng phân tử của polysaccharides từ các bộ phận khác nhau của G. lucidum có sự khác biệt rõ ràng. Trọng lượng phân tử của polysaccharides từ quả thể nằm trong khoảng từ 103 đến 106 Da, trong khi polysaccharides từ bào tử và sợi nấm là khoảng 105 – 106 Da [6]. 

>> Xem thêm: Tác dụng sinh học của polysaccharide trong nấm dược liệu

4. Tác dụng của nấm Linh chi trong điều trị ung thư

Từ xưa, nấm Linh chi đã được người Châu Á sử dụng rộng rãi để cải thiện sức khỏe nói chung vì những giá trị dinh dưỡng và dược lý mà nó mang lại. Qua các nghiên cứu tiền lâm sàng và lâm sàng, nấm Linh chi được báo cáo có kết quả tốt trong việc chống khối u, chống oxy hóa, tăng đáp ứng hệ miễn dịch.

4.1. Cơ chế chống hình thành khối u

Nấm Linh chi cho thấy có thể gây ra tình trạng ngừng chu kỳ tế bào và apoptosis, ức chế hình thành mạch máu, xâm lấn và di căn, từ đó ngăn cản sự phát triển của khối u, ngăn chặn ung thư [7]. Thông qua việc điều chỉnh phản ứng miễn dịch, polysaccharides có trong chiết suất nấm có thể cải thiện khả năng phòng vệ tự nhiên của cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh. Nó thúc đẩy sản xuất các phản ứng miễn dịch các tế bào miễn dịch như đại thực bào đóng vai trò tiêu diệt các tác nhân xâm nhập tự nhiên. 

4.2. Cơ chế chống oxy hóa

Quá trình oxy hóa là một quá trình sinh học cần thiết để tạo ra năng lượng trong cơ thể sống. Tuy nhiên, việc tạo ra các gốc tự do có nguồn gốc từ oxy không kiểm soát sẽ gây hại tế bào, can thiệp vào các quá trình sinh tổng hợp  protein làm hỏng vật liệu di truyền cũng như gây ra các bệnh như lão hóa. Một số polysaccharide phân lập từ G. lucidum đã được chứng minh có hoạt tính chống oxy hóa thông qua việc bảo vệ các tế bào chống lại các tác nhân gây độc do gốc oxy phản ứng (ROS) đồng thời duy trì trạng thái oxy hóa của cơ thể [8]. Kao và cs, 2011 đã phân lập được một β -1,3 glucan khối lượng phân tử thấp từ nấm Linh chi. Hoạt chất này đã được chứng minh có khả năng cải thiện khả năng sống của thực bào RAW264.7 từ 40%-80% trong thí nghiệm gây độc tế bào bằng H2O2. Ngoài ra polysaccharide này còn làm giảm quá trình hình thành các gốc oxy phản ứng (ROS) gây ra bởi H2O2 trong nội bào . Ngoài ra, chiết xuất triterpenoid từ nấm Linh chi axit ganoderic D sẽ ức chế sự tăng sinh tế bào, ngăn chặn chu kỳ, gây ra chứng apoptosis và chết tế bào tự thực để tăng khả năng chống ung thư [9].

4.3. Tác dụng điều hòa miễn dịch

Hệ miễn dịch đóng vai trò trong việc nhận biết và tiêu diệt không chỉ các tác nhân gây bệnh xâm nhập mà còn cả các tế bào vật chủ trở thành ung thư. Do đó xây dựng hệ miễn dịch khỏe là một trong những chiến lược chính để điều trị ung thư. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng polysaccharides có khả năng kích thích hệ miễn dịch thông qua kích hoạt tế bào lympho T và B, đại thực bào, tế bào tiêu diệt tự nhiên (tế bào NK) [10]. Từ đó thúc đẩy sự phát triển của tế bào lympho, tăng cường thực bào, tăng sản xuất cytokine và tăng cường độc tính qua trung gian tế bào NK [11]

4.4. Liệu pháp kết hợp với xạ trị, hóa trị

Gần đây nấm Linh chi được các nhà khoa học nghiên cứu sử dụng như liệu pháp bổ trợ với hóa trị hoặc xạ trị trong điều trị ung thư để kéo dài thời gian sống cho người bệnh ung thư. Các nghiên cứu đánh giá tác dụng của nấm Linh chi trong điều trị ung thư cho thấy các bệnh nhân ung thư có những biểu hiện tích cực về cải thiện miễn dịch tế bào. Một nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng đa trung tâm, mù đôi, ngẫu nhiên có đối chứng giả dược đã được tiến hành ở những bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối cho thấy hoạt động của tế bào tiêu diệt tự nhiên và tỷ lệ CD4/CD8 tăng nhẹ. Ngoài ra các tác dụng làm giảm nhẹ các triệu chứng liên quan đến ung thư như sốt, ho, suy nhược, đổ mồ hôi, mất ngủ cũng được quan sát thấy ở phần lớn bệnh nhân (84,4%)[12]. Ngoài ra, việc uống bột nấm Linh chi cũng cho thấy khả năng cải thiện sức khỏe thể chất và thang điểm mệt mỏi cho bệnh nhân ung thư vú đang điều trị nội tiết [13]. 

4.5. Tác dụng chống di căn tế bào ung thư 

Di căn ung thư là một trong những đặc điểm của khối u ác tính và là nguyên nhân gây tử vong ở hầu hết bệnh nhân ung thư. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nấm linh chi có khả năng ức chế. khả năng di chuyển và xâm lấn của tế bào khối u trong ống nghiệm và di căn khối u trong cơ thể sống. Chiết xuất polysaccharides của G.lucidum ức chế sự kết dính tế bào, làm giảm khả năng vận động của các tế bào ung thư [14]. Bên cạnh đó, nấm linh chi còn ức chế sự di chuyển các tế bào ung thư do stress oxy hóa, thông qua ức chế tiết interleukin-8 [15]. GLP cũng ức chế sự di căn do 4-aminobiphenyl gây ra, bằng cách trùng hợp actin và hình thành phức hợp bám dính cục bộ trong các tế bào ung thư bàng quang ở người [16]. 

5. Kết luận

Nấm Linh chi cho thấy là nhóm hợp chất tiềm năng trong phát triển làm thuốc gốc điều trị các bệnh ung thư hay làm liệu pháp hỗ trợ hóa trị và xạ trị. Hiện nay, Viện nghiên cứu và phát triển sản phẩm thiên nhiên (IRDOP) đã xây dựng, thẩm định và thực hiện phương pháp xác định hàm lượng  và phân lập các nhóm chất này. Kết quả này giúp các nhà khoa học nghiên cứu đánh giá chất lượng nguyên liệu cũng như phát triển các sản phẩm từ nấm Linh chi dùng trong nghiên cứu sâu hơn.

Tài liệu tham khảo

[1]. Đỗ Huy Bích, Đặng Quang Trung và cs. (2004). Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam tập 2, NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, tr. 158-159, 229-232, 383-391.

[2]. Dược điển Việt Nam V, Bộ Y tế, NXB Y học.

[3]. Lin, Z., & Yang, B. X. (2019). Ganoderma and Health. Springer Singapore. [GoogleScholar].

[4]. Wu, S., Zhang, S., Peng, B., Tan, D., Wu, M., Wei, J., … & Luo, H. (2024). Ganoderma lucidum: a comprehensive review of phytochemistry, efficacy, safety and clinical study. Food Science and Human Wellness, 13(2), 568-596.[GoogleScholar].

[5]. Lu, J., He, R., Sun, P., Zhang, F., Linhardt, R. J., & Zhang, A. (2020). Molecular mechanisms of bioactive polysaccharides from Ganoderma lucidum (Lingzhi), a review. International journal of biological macromolecules, 150, 765-774. [GoogleScholar].

[6]. Wang, Q., Wang, F., Xu, Z., & Ding, Z. (2017). Bioactive mushroom polysaccharides: a review on monosaccharide composition, biosynthesis and regulation. Molecules, 22(6), 955. [GoogleScholar].

[7]. da Silva Milhorini, S., de Lima Bellan, D., Zavadinack, M., Simas, F. F., Smiderle, F. R., de Santana-Filho, A. P., … & Iacomini, M. (2022). Antimelanoma effect of a fucoxylomannan isolated from Ganoderma lucidum fruiting bodies. Carbohydrate Polymers, 294, 119823. [GoogleScholar].

[8]. Ahmad, M. F., Alsayegh, A. A., Ahmad, F. A., Akhtar, M. S., Alavudeen, S. S., Bantun, F., … & Abdelrahman, M. H. (2024). Ganoderma lucidum: Insight into antimicrobial and antioxidant properties with development of secondary metabolites. Heliyon. [GoogleScholar].

[9]. Kao, P. F., Wang, S. H., Hung, W. T., Liao, Y. H., Lin, C. M., & Yang, W. B. (2012). Structural Characterization and Antioxidative Activity of Low‐Molecular‐Weights Beta‐1, 3‐Glucan from the Residue of Extracted Ganoderma lucidum Fruiting Bodies. BioMed Research International, 2012(1), 673764.[GoogleScholar]

[10]. Chan WK; Cheung CC; Law HK; Lau YL; Chan GC Ganoderma lucidum polysaccharides can induce human monocytic leukemia cells into dendritic cells with immuno-stimulatory function. J. Hematol. Oncol, 2008, 21, 9. [Pubmed].

[11]. Kladar NV; Gavarić NS; Božin NB Ganoderma: hiểu biết sâu sắc về tác dụng chống ung thư. Eur. J. Cancer Prev , 2016, 25 , 462–471. [ Pubmed]

[12]. Gao, Y., Dai, X., Chen, G., Ye, J., & Zhou, S. (2003). A randomized, placebo-controlled, multicenter study of Ganoderma lucidum (W. Curt.: Fr.) Lloyd (Aphyllophoromycetideae) polysaccharides (Ganopoly®) in patients with advanced lung cancer. International Journal of Medicinal Mushrooms, 5(4). [GoolgleScholar].

[13]. Zhao, H., Zhang, Q., Zhao, L., Huang, X., Wang, J., & Kang, X. (2012). Spore powder of Ganoderma lucidum improves cancer‐related fatigue in breast cancer patients undergoing endocrine therapy: a pilot clinical trial. Evidence‐Based Complementary and Alternative Medicine, 2012(1), 809614. [GoogleScholar].

[14]. Sohretoglu, D., & Huang, S. (2018). Ganoderma lucidum polysaccharides as an anti-cancer agent. Anti-Cancer Agents in Medicinal Chemistry (Formerly Current Medicinal Chemistry-Anti-Cancer Agents), 18(5), 667-674.[Pubmed]. 

[15]. Thyagarajan A; Jiang J; Hopf A; Adamec J; Sliva D Inhibition of oxidative stress-induced invasiveness of cancer cells by Ganoderma lucidum is mediated through the suppression of interleukin-8 secretion. Int. J. Mol. Med, 2006, 18(4), 657–664. [Pubmed]

[16]. Lu QY; Jin YS; Zhang Q; Zhang Z; Heber D; Go VL; Li FP; Rao JY Ganoderma lucidum extracts inhibit growth and induce actin polymerization in bladder cancer cells in vitro. Cancer Lett, 2004, 216, 9–20. [Pubmed]

Bài viết liên quan

Đăng ký gửi mẫu miễn phí

Liên hệ với IRDOP

Đăng ký nhận khuyến mãi