1. Đặt vấn đề
Ba kích (Morinda officinalis How) là một loại cây bụi được trồng ở các vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới như Trung Quốc và Việt Nam. Rễ của cây Ba kích từ lâu đã được sử dụng rộng rãi trong các bài thuốc y học cổ truyền của nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. Trong y học dân gian, củ Ba kích được xem là một vị thuốc giúp bổ thận, chữa bất lực sinh lý nam, hỗ trợ khả năng sinh sản, chống viêm, chống trầm cảm, mệt mỏi, chống lão hóa.
Các nghiên cứu gần đây đã và đang làm sáng tỏ thành phần hóa học của củ Ba kích. Trong đó nhiều nghiên cứu đã chiết xuất, phân lập, và xác định được trong củ Ba kích chứa các hoạt chất polysaccharide, oligosaccharide, anthraquinone, iridoid glucoside, và tinh dầu. Các hợp chất này đã được nghiên cứu và chứng minh tác dụng như tác dụng bổ thận, cải thiện khả năng sinh sản, tác dụng chống viêm, bảo vệ thần kinh, chống trầm cảm. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ tổng hợp các nhóm hoạt chất hóa học đã được xác định trong củ Ba kích. Đồng thời, phân tích một số tác dụng sinh học quan trọng của Ba kích như tác dụng bảo vệ thận và hỗ trợ sinh sản, tác dụng chống viêm và tác dụng chống trầm cảm. Những thông tin trên sẽ giúp các nhà khoa học tiếp tục tìm kiếm và xác định thêm các thành phần hoạt tính trong củ Ba kích cũng như thực hiên các nghiên cứu đánh giá hoạt tính sinh học của các hợp chất trong Ba kích từ đó phát triển các sản phẩm bảo vệ sức khỏe từ nguồn tài nguyên thiên nhiên quý này.
2. Thành phần hóa học của ba kích
2.1. Các hợp chất glycoside
Iridoid glycosides là một trong những nhóm hoạt chất chính trong củ Ba kích. Có khoảng bảy iridoid glycoside đã được phân tách và xác định trong dịch chiết ethanol của Ba kích bao gồm monotropein, deacetylasperulosidic acid, asperuloside, asperuloside tetraacetate, asperuloosidic acid, và morofficinaloside. Trong đó, monotropein chiếm tỷ lệ cao nhất trong nhóm này với khoảng 2%.
2.2. Các hợp chất đường và polysaccharide
Polysacharide là nhóm hợp chất chính trong Ba kích với chủ yếu là các polysaccharide tan trong nước và được thu nhận từ cao chiết nước của Ba kích. Hàm lượng polysaccharide trong Ba kích chiếm khoảng 10 – 35%. Các oligosaccharide được tìm thấy trong Ba kích gồm kestose, sucrose, nystose, hexasaccharide và heptasaccharide. Có bảy inulin-oligosacharide với DP = 3-9 được xác định từ củ Ba kích. Các polysaccharide chiết xuất bằng nước sau đó kết tủa bằng ethanol thu được 4 loại có cấu trúc khác nhau bao gồm MOHP-I, MOHP-II, MOHP-III, MOHP-IV. MOHP-I gồm các đơn phân là glucose và fructose với khối lượng phân tử khoảng 2000D. MOHP-III là một loại glycoprotein gồm các phân tử arabinose, xylose, glucose, fructose và galactose với khối lượng phân tử khoảng 35000D. Các hợp chất polysaccharide và oligosaccharide được sem là nhóm hoạt chất chính thể hiện đặc tính sinh, y dược của củ Ba kích.
2.3. Các hợp chất Anthraquinone
Từ dịch chiết chloroform của củ cây Ba kích đã xác định được tám hợp chất anthraquinone bao gồm rubiadin, 1-hydroxyanthraquinone, rubiadin-1-methyl ether, 1-hydroxy- 2- ethylanthraquinone,1,6-dihydroxy-2-methoxyanthraquinone,1,6-dihydroxy-2,4-dimethoxyanthraquinone, physcion, 1-hydroxy-2-methoxyanthraquinone. Gần đây, 1,6- dihydroxy-2-methoxyanthraquinone and 1,6-dihydroxy-2,4-dimethoxyanthraquinone cũng mới được phân lập và xác định từ cây Ba kích. Cho đến nay, đã có tổng số hai tám hợp chất anthraquinone được phân lập và xác định từ cây Ba kích. Trong đó, rubiadin được xem là anthraquinone chính và có tác dụng sịnh học quan trọng nhất trong cây Ba kích.
3. Tác dụng sinh học của ba kích
3.1. Tác dụng bảo vệ thận và cải thiện khả năng sinh sản của Ba kích
Ba kích được biết đến trong các bài thuốc dân gian với tác dụng bổ thận, chữa vô sinh. Những nghiên cứu gần đây đã và đang chứng minh tác dụng của Ba kích đối với thận và chức năng sinh sản của nam giới. Chiết xuất Ba kích cải thiện quá trình trao đổi năng lượng ở chuột bị suy thận thông qua hoạt động của glycogen gan, glycogen cơ, acid béo tự do lipoprotein lipase, lipase ở gan, Na+, K+, Ca2+, Mg2+ATPase ở gan và cơ. Oligosacharide trong Ba kích làm tăng đáng kể tỷ lệ nở và sức sinh sản của ruồi giấm thông qua khả năng làm tăng sinh lực cho thận.
Nghiên cứu sử dụng quảng phổ hạt nhân hydro để xác định các chất chuyển hóa cho thấy dịch chiết Ba kích điều chỉnh nồng độ của citrate, succinate, α-ketoglutarate, lactate, betaine, sarcosine, alanine và taurine trong nước tiểu và làm giảm các triệu chứng suy thận thông qua điểu chỉnh chuyển hóa năng lượng, vận chuyển và chuyển hóa amine. Chiết xuất Ba kích làm tăng độ dày của biểu mô ống sinh tinh, ống sinh tinh với tinh trùng, tăng nồng độ testosterone trong huyết thanh mà không ảnh hưởng đến nồng độ hormone kích thích nang trứng và hormone hoàng thể. Khi cho chuột SD uống chiết xuất Ba kích ở nồng độ 10, 20, 30, 40 g/kg trong 2 tuần cho thấy sự cải thiện các tổn thương do Cytoxan gây ra đối với quá trình sinh tinh trùng. Kết quả này là do chiết xuất Ba kích thay đổi các chỉ số tinh hoàn và mào tinh hoàn, vi cấu trúc của mô tinh hoàn, đường kính ống sinh tinh và đường kính tinh hoàn trong các xét nghiệm sinh dục. Oligosacharide trong Ba kích làm tăng số lượng và hoạt động của tinh trùng trong chuột bị xử lý giảm tinh trùng bằng Cytoxan. Các Oligosacharide này làm lành các tổn thương ở ống dẫn tinh và các mối nối ở màng ống, làm giảm nồng độ các cytokines (TFG-β3 và TNF-α), kháng thể chống lại tinh trùng, trong khi làm tăng biểu hiện protein nối ống dẫn tinh trùng, tăng nồng độ testosterone trong tinh hoàn.
3.2. Tác dụng kháng viêm của ba kích
Rễ cây Ba kích có chứa monotropeins có tác dụng chống viêm giảm đau. Kết quả nghiên cứu cho thấy hợp chất monotropein được chiết xuất từ rễ cây Ba kích có thể làm giảm giai đoạn đau quằn quại trong mô hình chuột phù chân cấp tính ở nồng độ 20 và 30 mg/kg. Dịch chiết methanol của củ Ba kích có tác dụng chống viêm giảm đau trên mô hình in vitro và in vivo bằng cách hạn chế enzyme tổng hợp nitơ oxyt (iNOS), cyclooxygenase (COX-2) và sự biểu hiện của các yếu tố hoại tự khối u alpha (TNF-α) bằng cách điểu chỉnh giảm yếu tố hạt nhân kappa của tế bào B hoạt hóa (NF-κB). Nhiều bằng chứng khoa học cho thấy monotropein trong rễ Ba kích làm giảm các chỉ số liên quan đến bệnh và thể hiện khả năng kháng khuẩn, kháng viêm bằng cách hạn chế hoạt động của NF-κB ở niêm mạc đại tràng. Monotropein ức chế hiệu quả sự biểu hiện mRNA của COX-2, iNOS, TNF- α, và IL-1β trong mô hình đại thực bào RAW 264.7. Chiết xuất rễ Ba kích có tác dụng với bệnh viêm đại tràng mãn tính và tế bào lympho T trên chuột bằng cách giảm các triệu chứng viêm loét đại tràng và giảm nồng độ các cytokine gây viêm.
3.3. Tác dụng chống trầm cảm của ba kích
Trầm cảm là một trong những rồi loạn thần kinh phổ biến và gây ra những tác động lớn cho con người và xã hội. Một số nghiên cứu trên mô hình tế bào, mô hình động vật và lâm sàng trên người đã được thực hiện để đánh giá tác động chống trầm cảm của Ba kích. Dịch chiết Ba kích với thành phần là các polysaccharide và oligosaccharide ở nồng độ 100-400 mg/kg giúp làm tăng tốc độ đáp ứng trong mô hình DRL-72s trên chuột, làm giảm thời gian bất động nhưng không ảnh hưởng đến vận động tự phát của chuột trong mô hình thử nghiệm. Dịch chiết ethanol, nước, chloroform, ethylacetate của Ba kích cũng được chứng minh có khả năng làm giảm giai đoạn bất động trong mô hình treo đuôi chuột và tăng phản ứng co giật đầu do 5-hydroxytryptamine (5-HTP) nhưng không ảnh hưởng đến vận động tự phát trong mô hình chuột bơi cưỡng bức. Kết quả chống trầm cảm của Ba kích được cho là do tác động đến hệ thống dẫn truyền thần kinh. Nghiên cứu cho chuột uống cao Ba kích trong 15 ngày sau đó thực hiện mô hình chuột bơi để đánh giá khả năng chống trầm cảm của Ba kích cho thấy cao Ba kích giúp tăng thời gian bơi và nồng độ norepinephrine, epinephrine, và dopamine, đồng thời giảm nồng độ 5-HTP trong não chuột. Điều đó cho thấy Ba kích có tác động đến não bằng cách điều chỉnh mức độ dẫn truyền thần kinh monoamine trong não. Polysaccharide và oligosaccharide trong Ba kích giúp chuột giảm số lỗi trong mô hình thử nghiệm mê cung loại T (mô hình đánh giá tác động chống trầm cảm trên động vật) và tăng số lượng tế bào thần kinh và nồng độ enzyme superoxide dismutase (SOD) trong vùng hải mã trong não. Điều đó cho thấy Ba kích giúp giảm phản ứng căng thẳng và cải thiện hành vi nhận thức trên mô hình trầm cảm thực nghiệm.
Oligosacharide của Ba kích được hội thực phẩm và dược phẩm quốc gia Trung quốc cấp phép trong hỗ trợ điều trị bệnh trầm cảm thể nhẹ và vừa. Một số kết quả nghiên cứu lâm sàng cho thấy Oligosacharide trong Ba kích an toàn và có hiệu quả trong hỗ trợ điều trị bệnh trầm cảm nhờ cải thiện một số chỉ số của bệnh như điểm đánh giá mức độ trầm cảm Hamilton (HAMD), điểm đánh giá mức độ lo âu Hamilton (HAMA), điểm suy thận TCM, yếu tố tăng trưởng thần kinh, cortisol, 5-HTP, yếu tố thần kinh từ não. Một thử nghiệm lâm sàng khác cũng đã chứng minh Oligosacharide hoặc sự kết hợp của Oligosacharide trong cây Ba kích với duloxetine có hiệu quả trong điều trị bệnh nhân trầm cảm sau đột quỵ, cải thiện chức năng nhận thức của bệnh nhân. Các kết quả trên cho thấy Oligosacharide của Ba kích an toàn và có hiệu quả trong điều trị rối loạn trầm cảm dạng nhẹ và trung bình.
Viện nghiên cứu và phát triển sản phẩm thiên nhiên (IRDOP) đã xây dựng, thẩm định và thực hiện phương pháp xác định hàm lượng anthraquinone, iridoid glycoside, polysaccharide, oligosaccharide trong củ Ba kích. Kết quả này giúp cho các nhà khoa học nghiên cứu đánh giá chất lượng nguyên liệu và sản phẩm từ củ Ba kích, để phát triển các dòng sản phẩm sử dụng hiệu quả các tác dụng dược lý của hợp chất này.
Tài liệu tham khảo
1. Oladeji, O. S., Oluyori, A. P., & Dada, A. O. (2022). Genus Morinda: An insight to its ethnopharmacology, phytochemistry, pharmacology and Industrial Applications. Arabian Journal of Chemistry, 15(9), 104024.
2. Zhang, J. H., Xin, H. L., Xu, Y. M., Shen, Y., He, Y. Q., Lin, B., … & Du, J. (2018). Morinda officinalis How.–A comprehensive review of traditional uses, phytochemistry and pharmacology. Journal of Ethnopharmacology, 213, 230-255.
3. Olatunde, O. Z., Yang, Y., Yong, J., & Lu, C. (2018). Progress of the components and biological activities of Morinda officinalis How. Biomedical Research and Reviews, 2, 1-10.