Abtract:
Lotus (Nelumbo nucifera G.) flower is widely used as a traditional decoration and medicine in countries of Asia. The main constituents of lotus flowers are flavonoids and alkanoids. Owing to their rich of phytochemicals, a lot pharmacological activities of lotus flower have been reported such as antioxidant cactivity, hepatoprotective effects, cardiovascular activities. The present review highlights taxonomic description, phytochemical constituents, and pharmacological properties of lotus flower.
Key words: Nelumbo nucifera, flavonoids, alkanoids, antioxidant
1. Đặt vấn đề
Sen (Nelumbo nucifera Gaertn) là một loài thực vật có hoa dưới nước thuộc họ nelumbonaceae. Loại cây lâu năm này được biết đến với nhiều tên thông dụng khác nhau như: sen thiêng, sen Ấn Độ, hoa súng Trung Quốc. Loài này có thể được tìm thấy chủ yếu ở các nước Châu Á như Thái Lan, Trung Quốc, Sri Lanka, Ấn Độ, Nepal, New Guinea hoặc Nhật Bản. Hơn nữa, Sen cũng được trồng ở Úc và Nga và được du nhập vào Tây Âu và Châu Mỹ từ lâu. Cây này được công nhận rộng rãi bởi vẻ đẹp của hoa và được coi là biểu tượng tinh thần cho Phật giáo, Ấn Độ giáo và Ai Cập từ thời cổ đại. Hoa sen được người theo đạo Hindu coi là linh thiêng, trong khi toàn bộ cây lại được coi là linh thiêng theo các tín đồ Phật giáo. Vì vẻ đẹp của nó mà hoa còn là quốc hoa của Ấn Độ và Việt Nam. Ngoài những đặc điểm trên, Sen còn được sử dụng như nguồn nguyên liệu cho các món ăn và cũng là thành phần quan trọng đối với thuốc cổ truyền hoặc thuốc thảo dược. Do đó, trong bài tổng quan này chúng tôi sẽ giới thiệu về đặc điểm thực vật học, thành phần hóa học và tính chất dược lý của hoa sen.1
2. Đặc điểm thực vật học của hoa sen
Hoa sen khi chưa nở có hình trứng đỉnh nhọn, dài 10-15 cm, đường kính 10-12 cm. Cuống dài, màu xanh, đường kính khoảng 0,6-0,8 cm, bề mặt sần sùi, bên trong xốp. Bao hoa gồm nhiều mảnh hình lòng thuyền thuôn nhọn, dài 9-11 cm, rộng 6-9 cm, phần móng có màu trắng hồng nhạt khoảng 1/5 chiều dài, phía trên có màu hồng và đậm dần về phía ngọn, trên bề mặt có gân hình cung màu hồng đậm quan sát rõ hơn ở mặt dưới. Nhị rất nhiều, rời, dài khoảng 3 cm; chỉ nhị màu trắng hình sợi, dài 1,2-1,3 cm; bao phấn màu vàng, hình dải dài, mang 2 ô phấn dài khoảng 1,3-1,5 cm, nứt dọc; tận cùng có trung đới kéo dài thành mào màu trắng dài 0,2-0,3 cm. Bộ nhụy gồm nhiều lá noãn rời, đính trên đế hoa hình nón ngược đường kính mặt khoảng 3-4 cm; bầu hình bầu dục, dài 1 cm, đường kính khoảng 0,3 cm màu vàng nhạt nằm gọn trong từng hốc của đế hoa chứa 1 noãn bên trong, noãn đính vào đỉnh bầu; vòi và núm nhụy ngắn, màu vàng nhô lên khỏi mặt phẳng đế hoa qua các lỗ thủng.2
3. Thành phần hóa học chính của hoa sen
Thành phần hóa học trong hoa sen gồm flavonoids và glycoside của flavonoids, alkanoids, steroids và sapogenin. Trong đó, thành phần chính là các flavonoid và các dẫn xuất đường của chúng như: Quercetin, Luteolin, Kaempferol, anthocyanin, procyanidin.
Flavonoid và các dẫn xuất glycoside
Flavonoid là các hợp chất có khối lượng phân tử thấp được ấu trúc từ hai vòng benzen và được nối với nhau bởi một chuỗi ba cacbon có cấu trúc lõi C6-C3-C6. Để thu nhận flavonoid, thông thường người ta sử dụng ethanol hoặc methol để chiết xuất. Thành phần flavonoid trong Hoa sen chủ yếu tập trung vào các cánh và nhị hoa, bao gồm flavonols và anthocyanins. Ngoài ra, procyanidins được tìm thấy nhiều ở cánh hoa. Thành phần chính của flavonols bao gồm quercetin, iso quercitrin, luteolin, luteolin-glucoside, kaempferol, kaempferol-3-O-glucoside. Anthocyanin trong hoa sen chủ yếu là: delphinidin-3-O-glucoside, cyanidin-3-O-glucoside, petunidin-3-O-glucoside, peonidin-3-O-glucoside.3
Alkanoid
Alkaloid là những hợp chất hóa học dị vòng có chứa nitơ và có một số hoạt tính dược lý quan trọng. Alkaloit phân bố chủ yếu ở lá sen và bộ phận hoa sen, và chủ yếu thuộc về alkaloid aborphin, benzylisoquinolin và dibenzylisoquinolin, và trong đó alkaloid không trực tiếp tan trong nước, nhưng có thể phản ứng với axit để tạo thành muối. Alkanoid thường được chiết xuất bằng dung dịch nước có tính axit yếu.4 Alkanoid chính được xác định trong hoa sen bao gồm anonaine, dehydroanonaine, armepavine, asimilobine, demethylcoclaurine, lirinidine, pronuciferine, nuciferine-N-oxide, dehydronuciferine, norjuziphine, isoliensinine, liensinine, liriodenine, dehydroemerine, nornuciferine, n-methylasimilobine, n-methylcoclaurine, n-methyllisococlaurine, n-norarmepavine, roemerine.5
4. Ứng dụng của hoa sen trong y học cổ truyền
Hoa sen được sử dụng trong y dược học cổ truyền để điều trị sốt, tiêu chảy, xuất tinh sớm, tăng huyết áp. Ngoài ra, cuống hoa được sử dụng để điều trị viêm loét, xuất huyết dạ dày, xuất huyết sau sinh và rong kinh. Phấn hoa chứa nhiều chất dinh dưỡng như vitamin, chất khoáng, axit amin và đường nên có thể được sử dụng như một loại thực phẩm bổ dưỡng. Nhị hoa sen được sử dụng để điều trị hiện tượng di tinh, trĩ, tiêu chảy, đái dầm, bệnh lậu.4
5. Đặc tính dược lý của hoa sen
Hoạt tính chống oxy hóa của hoa sen
Dịch chiết bằng methanol của nhị hoa sen thể hiện hoạt tính oxy hóa mạnh trên mô hình peroxynitrite (ONOO-), DPPH và ROS. Các flavonoid-glycoside từ nhị hoa sen được chứng minh có khả năng chống oxy hóa mạnh trên thí nghiệm DPPH và ONOO-.6 Tác dụng chống oxy hóa của dịch chiết cồn từ hoa sen được đánh giá thông qua việc giảm nồng độ Glutamate oxaloacetate Transaminase (GOT) và Glutamate pyruvate transaminase (GPT) về giá trị bình thường trên mô hình thận bị gây stress oxi hóa bằng Fenton.7
Hoạt tính bảo vệ gan của hoa sen
Chiết xuất cánh hoa sen bằng cồn ở nồng độ 200-400 mg/kg thể hiện hoạt tính bảo vệ gan trên mô hình chuột bị gây độc gan bằng CCl4 và paracetamol. Tác dụng bảo vệ gan của hoa sen do làm giảm quá trình peroxit hóa lipid, ức chế hoạt tính của P450, làm ổn định màng tế bào gan và tăng cường sinh tổng hợp protein.6
Tác dụng hạ đường huyết của hoa sen
Bột hoa sen khô, hoặc dịch chiết cồn và nước của hoa sen được chứng minh có khả năng hạ đường huyết trên mô hình thỏ bạch tạng. Hiệu quả hạ đường huyết của bột hoa sen khô (1000 mg/kg) tương đương với tác dụng khi sử dụng 250 mg/kg thuốc tolbutamide. Trên mô hình thỏ, dịch chiết ở liều dùng 1000 mg/kg có tác dụng làm giảm đáng kể chỉ số đường huyết khi thử nghiệm tiêm 0.5 mg/kg adrenaline hydrochloride. Nghiên cứu trên in vitro với nửa cơ hoành của chuột cho thấy, hoa sen tăng cường tác dụng của insuline. Các cải thiện dung nạp glucose là do tăng sử dụng glucose ngoại biên gây ra bởi tăng độ nhạy của cơ xương với insuline nội sinh.6
Tác dụng bảo vệ hệ thần kinh của hoa sen
Dịch chiết hoa sen bằng cồn và nước có khả năng ức chế hoạt tính của enzyme acetycholinesterase và monoamine oxidase (MAO-A và MAO-B) ở vùng Hồi Hải Mã của chuột bị gây stress, điều đó cho thấy khả năng bảo vệ hệ thần kinh và cải thiện trí nhớ của hoa sen.8
Tác dụng bảo vệ da của hoa sen
Alkaloids trong hoa sen được chứng minh có khả năng ức chế quá trình sinh tổng hợp melanin gây nám da trên tế bào sinh sắc tố B16-4A5.5 Tác dụng làm trắng và giảm vết nhăn của chất chiết từ hoa sen nhờ khả năng ức chế enzyme tyrosinase và DOPA-oxidase cũng đã được chứng minh với khả năng ức chế gấp 2 lần so với adenosine.9 Chất chiết từ hoa sen có tác dụng giảm tiết bã nhờn cho da.10 Sự kết hợp giữa hoa sen và chè xanh giúp cải thiện các tình trạng về da như làm da trơn, bóng, giảm vết nhăn. Tác dụng dưỡng da của hoa sen do các thành phần có hoạt tính chống oxi hóa trong hoa sen tạo nên.10 Các hợp chất flavonoid như kaempferol, luteonin, quercetin và các glycoside của chúng được chứng minh có hoạt tính chống oxy trên các mô hình như Ferric thiocyanate (FTC), mô hình ức chế gốc tự do 1,1-diphenyl 2-picryl radical (DPPH), superoxide, nitric oxide, hydroxyl radical và hydrogen peroxide (H2O2).11
6. Nghiên cứu tại về sen tại IRDOP
Các nhà khoa học của Viện IRDOP kết hợp với NPUST Đài Loan và trường Đại học Dược Hà Nội, đang triển khai nghiên cứu, khai thác tác dụng nổi trội của Sen.
Tài liệu tham khảo:
1. Tungmunnithum, D., Pinthong, D. & Hano, C. Flavonoids from Nelumbo nucifera Gaertn., a Medicinal Plant: Uses in Traditional Medicine, Phytochemistry and Pharmacological Activities. Medicines 5, 127 (2018).
2. Lợi, Đ. T. Những cây thuốc và vị thuốc việt nam. Nhà xuất bản Y Học 8–11 (2004).
3. Sharma, B. R., Gautam, L. N. S., Adhikari, D. & Karki, R. A Comprehensive Review on Chemical Profiling of Nelumbo Nucifera: Potential for Drug Development. Phyther. Res. 31, 3–26 (2017).
4. Chen, G., Zhu, M. & Guo, M. Research advances in traditional and modern use of Nelumbo nucifera: phytochemicals, health promoting activities and beyond. Crit. Rev. Food Sci. Nutr. 59, S189–S209 (2019).
5. Nakamura, S. et al. Alkaloid constituents from flower buds and leaves of sacred lotus (Nelumbo nucifera, Nymphaeaceae) with melanogenesis inhibitory activity in B16 melanoma cells. Bioorganic Med. Chem. 21, 779–787 (2013).
6. Mukherjee, P. K., Mukherjee, D., Maji, A. K., Rai, S. & Heinrich, M. The sacred lotus (<I>Nelumbo nucifera</I>) – phytochemical and therapeutic profile. J. Pharm. Pharmacol. 61, 407–422 (2009).
7. Krishnamoorthy, G. et al. Antioxidant activity of Nelumbo nucifera ( Gaertn ) flowers in isolated perfused rat kidney. 19, 224–229 (2009).
8. Prabsattroo, T., Wattanathorn, J., Somsapt, P. & Sritragool, O. Positive modulation of pink Nelumbo nucifera flowers on memory impairment, brain damage, and biochemical profiles in restraint rats. Oxid. Med. Cell. Longev. 2016, (2016).
9. Kim, T. et al. Nelumbo nucifera extracts as whitening and anti-wrinkle cosmetic agent. Korean J. Chem. Eng. 28, 424–427 (2011).
10. Mahmood, T. & Akhtar, N. Combined topical application of lotus and green tea improves facial skin surface parameters. Rejuvenation Res. 16, 91–97 (2013).
11. Durairaj, B. & Dorai, a. free radical scavenging potential of nelumbo nucifera gaertn flowers ( white and pink ) Contribution / Originality. 2, 133–146 (2014).