1. Đặt vấn đề
Bệnh ung thư đang là mối lo ngại trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng khi mà con số người mắc bệnh ngày càng tăng cao. Tại Việt Nam, số người mắc bệnh ung thư dẫn đến tử vong ngày càng tăng cao và có xu hướng trẻ hóa. Tính đến năm 2022, Việt Nam có 180 nghìn ca mới mắc và 120 nghìn người tử vong do ung thư và 409 nghìn người sống chung với ung thư [1]. Cho đến nay, đây vẫn là một căn bệnh hiểm nghèo có nguy cơ tử vong cao, vì vậy việc tìm ra thuốc mới hiệu quả, an toàn hơn, ít xâm lấn là vấn đề được nhiều người quan tâm.
Nấm là một loại dược liệu được biết đến là có giá trị dinh dưỡng cao, được các nhà khoa học chứng minh về tác dụng hỗ trợ điều trị ung thư, ngăn ngừa tế bào ung thư phát triển và di căn sang tế bào khác. Chính vì vậy việc nghiên cứu các loại nấm và các hoạt chất có hoạt tính dược lý chống ung thư đang trở thành trọng điểm của nền y dược Việt Nam, cho phép khai thác kho tàng dược liệu phong phú của nước ta. Bài viết này chúng tôi tổng hợp và lựa chọn ra một số loại nấm tiềm năng ở Việt Nam có tác dụng chống ung thư cũng như hỗ trợ đáp ứng với thuốc hay các biện pháp hóa, xạ trị trong điều trị. Từ đó, chúng tôi mong muốn đưa ra cái nhìn tổng quan về một số loại nấm Việt Nam phổ biến có tác dụng tốt trong điều trị ung thư, cũng như cung cấp các thông tin cơ bản làm tiền đề cho các nghiên cứu sâu hơn.
2. Tìm hiểu chung về bệnh ung thư
Ung thư là bệnh lý ác tính của tế bào, khi bị kích thích bởi các tác nhân sinh ung thư, tế bào tăng sinh một cách mất kiểm soát, không tuân theo các cơ chế kiểm soát về phát triển của cơ thể, không chết đi và không thể thực hiện chức năng bình thường cho cơ thể [2]. Quá trình hình thành ung thư bắt đầu khi một hoặc nhiều tế bào bị biến đổi về mặt di truyền trong nhân tế bào, hay còn gọi là quá trình đột biến. Các tế bào ung thư bị biến đổi, phân chia một cách không kiểm soát tạo thành một khối u ác tính. Khối u phát triển dần chèn ép mô và cơ quan xung quanh gây rối loạn các hoạt động bình thường của chúng.
Ung thư bao gồm nhiều bệnh, tùy theo cơ quan hay tế bào khởi phát mà có đến 200 loại ung thư khác nhau. Hầu hết các bệnh ung thư là những bệnh mạn tính khởi phát trong thời gian dài, gồm nhiều giai đoạn. Các bệnh ung thư có tính di căn và xâm lấn. Khả năng xâm lấn của nó là nhờ có 3 đặc tính quan trọng: tính di động, khả năng tiêu đạm ở cấu trúc nâng đỡ của mô/cơ quan, mất ức chế tiếp xúc tế bào. Từ đó chúng dễ xâm lấn qua mô đệm vào mạch máu, bạch huyết dẫn đến di căn tế bào ung thư. Ngoài ra ung thư còn có đặc tính hay tái phát, tùy từng bệnh và giai đoạn bệnh mà tỷ lệ tái phát là khác nhau.
Các yếu tố nguy cơ gây ung thư thường gặp là yếu tố di truyền; yếu tố vật lý như tia cực tím, bức xạ; yếu tố hóa học như khói thuốc lá, rượu, asen,..; và yếu tố sinh học như các loại virus HPV, virus viêm gan B,c, sán lá gan,…
3. Một số dược liệu tự nhiên có tiềm năng trong điều trị ung thư
3.1. Nấm linh chi
Nấm linh chi có tên khoa học là Ganoderma lucidum thuộc họ nấm lim do thường mọc ở gốc và thâ những cây lim đã chết. Nấm thể quả có mũ dạng thân, tròn hoặc dạng quạt, dày, có đường kính 3-10cm. Các thành phần có tác dụng chữa bệnh của nấm Linh Chi bao gồm polysaccharides beta-glucan và triterpenes.
Trong các nghiên cứu lâm sàng, nấm Linh Chi cho thấy khả năng chống oxy hóa và làm tăng đáp ứng miễn dịch ở những bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn [4]. Cụ thể các chiết xuất từ nấm được công nhận là có tác dụng trong điều trị một số tình trạng bệnh lý sau hóa trị như làm giảm nôn, tăng hiệu quả của điều trị tia xạ và làm tăng đáp ứng của tế bào ung thư buồng trứng với thuốc hóa trị cisplatin [5,6].
Tuy nhiên, chất chiết xuất của nấm Linh Chi đã chứng minh có tác dụng độc hại trên tế bào bạch cầu. Vì vậy còn cần thêm nhiều nghiên cứu để xác định sự an toàn của nấm Linh Chi trong việc hỗ trợ điều trị ung thư.
3.2. Nấm hương
Nấm hương tên khoa học là Lentinula edodes, thuộc họ Marasmiaceae, hay còn gọi là Nấm đông cô. Nấm hương có nguồn gốc từ Đông Á, được trồng phổ biến trên thế giới trong đó có Việt Nam [3]. Trong nấm hương người ta tìm thấy nhiều hoạt chất có tác dụng tốt trong điều trị ung thư như lentinan, selenium và nhiều khoáng chất, vitamin khác. Trong một công bố mới đây của Guangda Zhou năm 2024 về tiềm năng của lentinan trong điều trị các bệnh khối u, lentinan cho thấy có tác dụng trong điều trị nhiều loại ung thư như ung thư phổi, đại trực tràng, ung thư gan.Lentinan kích thích các tế bào miễn dịch hoạt động, tấn công trực tiếp và tiêu diệt các tế bào khối u [7]. Lentinan cũng được chấp nhận làm thuốc bổ sung cho hóa trị liệu ở Trung Quốc và Nhật Bản. Ngoài ra trong nấm hương còn có chứa selenium có tác dụng chống oxy hóa ngăn ngừa ung thư. Các acid amin, vitamin và các khoáng chất trong nấm hương thì có tác dụng tăng cường miễn dịch và hỗ trợ nâng cao thể trạng của bệnh nhân ung thư [8].
3.3. Nấm bào ngư (nấm sò)
Nấm sò hay còn có tên gọi là Nấm bào ngư, có tên khoa học là Pleurotus ostreatus, thuộc họ Pleurotaceae. Loài nấm này mọc trên các thân cây khô và suy yếu, xen kẽ nhau như hình bậc thang, được nuôi trồng phổ biến trên thế giới. Nấm sò được biết đến với nhiều đặc tính dược liệu như hạ cholesterol máu và hoạt động chống xơ vữa động mạch, chống khối u và chống oxy hóa [3]. Thành phần hóa học của nấm sò gồm nhiều hợp chất mang hoạt tính dược lý tốt như vitamin C, riboflavin, thiamin, vitamin B12, và các acid amin khác. Hợp chất alpha-glucan liên phân tử, lovastatin trong tai nấm được tìm thấy chịu trách nhiệm ức chế tế bào ung thư.
Andrej Jedinak đã tiến hành đánh giá tác dụng của loại nấm này trên điều trị ung thư vú và ruột kết, kết quả cho thấy P.ostreatus làm giảm đáng kể sự phát triển tế bào ung thư mà không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của các cơ quan [9]. Gần đây, một nghiên cứu thực hiện đánh giá trên nhóm anthraquinone chiết xuất từ loại nấm này cho thấy P. ostreatus và hợp chất hoạt tính sinh học anthraquinone của nó có thể là tác nhân chống ung thư mạnh để điều trị các tế bào ung thư vú bằng cách kích hoạt apoptosis thông qua quá trình khử cực của màng ty thể [10].
3.4. Đông trùng hạ thảo
Đông trùng hạ thảo là 1 loại nấm ký sinh có tên khoa học Cordyceps sinensis (Cephalosporium sinensis). Tại Việt Nam chúng phân bố nhiều ở Lào Cai, yên Bái, Lai Châu, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn,…Thành phần hóa học chính của loài dược liệu quý này bao gồm acid cordycepic cùng với acid amin, vitamin, và các khoáng chất khác [3]. Từ xa xưa, đông trùng hạ thảo đã được biết đến là một loài dược liệu quý hiếm với hơn 30 hoạt tính sinh học được báo cáo, điển hình như: chống viêm, chống lão hóa, chống khối u, bảo vệ thần kinh, tim mạch và điều hòa miễn dịch. Một nghiên cứu đánh giá tổng quan trên C.Sinensis bởi Peter Xin Chen cho thấy, các polysaccharides , nucleosides và sterol được báo cáo tích cực về tiềm năng trong điều trị ung thư. Cụ thể như gliocladicillins A và B có khả năng ức chế sự phát triển của các tế bào khối u [11]. Bên cạnh đó, nghiên cứu còn chỉ ra rằng, loại thảo dược này có thể giúp người bệnh an thần, ăn ngon từ đó tăng hệ miễn dịch, và gia tăng hiệu quả điều trị, bảo vệ các cơ quan dưới tác động của hóa chất và tia xạ.
4. Kết luận
Nấm có một tiềm năng to lớn trong việc điều trị, ngăn ngừa, hoặc chậm tiến trình phát triển của bệnh ung thư. Polysaccharide chiết xuất từ các loại nấm cho thấy là những hợp chất có nhiều giá trị dược lý quan trọng. Đây sẽ là nguồn tài nguyên quý giá trong nghiên cứu và phát triển thuốc mới ứng dụng trong điều trị các bệnh ung thư. Mặc dù vẫn còn quá sớm để tin rằng những kết quả này có thể áp dụng vào dược phẩm nhưng đây sẽ là động lực để các nghiên cứu sâu hơn được tiếp tục thực hiện. Viện Nghiên cứu và phát triển sản phẩm thiên nhiên IRDOP đã xây dựng phương pháp chiết xuất và kiểm nghiệm hàm lượng các loại polysaccharide trong các loại nấm dược liệu. Điều này giúp các nhà khoa học có thông tin để nghiên cứu sâu hơn về giá trị cũng như ứng dụng của các polysaccharide này trong lĩnh vực y dược.
Tài liệu tham khảo
[1]. Viet Nam, Global cancer observatory, International Agency for research on cancer, WHO
[2]. Ung thư học, Nguyễn Văn Hiếu, NXB Y học
[3]. Dược điển Việt Nam 5, Bộ Y tế, NXB y học
[4]. Gao, Y., Zhou, S., Jiang, W., Huang, M., & Dai, X. (2003). Effects of Ganopoly®(A ganoderma lucidum polysaccharide extract) on the immune functions in Advanced‐Stage cancer patients. Immunological investigations, 32(3), 201-215.
[5]. Wang, C. Z., Basila, D., Aung, H. H., Mehendale, S. R., Chang, W. T., McEntee, E., … & Yuan, C. S. (2005). Effects of Ganoderma lucidum extract on chemotherapy-induced nausea and vomiting in a rat model. The American journal of Chinese medicine, 33(05), 807-815.
[6]. Zhao, S., Ye, G., Fu, G., CHEnG, J. X., YAnG, B. B., & PEnG, C. (2011). Ganoderma lucidum exerts anti-tumor effects on ovarian cancer cells and enhances their sensitivity to cisplatin. International journal of oncology, 38(5), 1319-1327.
[7]. Zhou, G., Liu, H., Yuan, Y., Wang, Q., Wang, L., & Wu, J. (2024). Lentinan progress in inflammatory diseases and tumor diseases. European Journal of Medical Research, 29(1), 8.
[8]. Ahmad, I., Arif, M., Xu, M., Zhang, J., Ding, Y., & Lyu, F. (2023). Therapeutic values and nutraceutical properties of shiitake mushroom (Lentinula edodes): A review. Trends in Food Science & Technology, 134, 123-135.
[9]. Jedinak, A., & Sliva, D. (2008). Pleurotus ostreatus inhibits proliferation of human breast and colon cancer cells through p53-dependent as well as p53-independent pathway. International journal of oncology, 33(6), 1307-1313.
[10]. Jayaprakash, B., Suresh, A. R., Thiruvengadam, R., Alharbi, N. S., Kadaikunnan, S., Sankaran, S., … & Venkidasamy, B. (2024). Evaluation of oyster mushroom (Pleurotus ostreatus)-derived anthraquinone on the induction of apoptosis and suppression of MMP-2 and MMP-9 expression in breast cancer cells. International Journal of Medical Sciences, 21(6), 1016.
[11]. Chen, P. X., Wang, S., Nie, S., & Marcone, M. (2013). Properties of Cordyceps sinensis: a review. Journal of Functional Foods, 5(2), 550-569.